Tam thất là gì? Thông tin về tam thất
Phân biệt các loại tam thất
Cách trồng, thu hoạch và chế biến tam thất
Tác dụng, công dụng của tam thất tới sức khỏe con người
Các bài thuốc trong dân gian được chế biến từ tam thất
Lưu ý khi sử dụng tam thất
Giá một số loại tam thất hiện nay
Tam thất là dược liệu quý được biết đến rộng rãi nhờ có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bệnh đạt hiệu quả cao. Trong đó có các bệnh nan y như: ung thư, tim mạch… và đặc biệt là những bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu …v.v. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ tổng hợp lại tất cả những thông tin có liên quan đến dược liệu này. Nếu bạn đang trong giai đoạn tìm hiểu về cây tam thất cũng như tác dụng của củ trước khi sử dụng. Bài viết này sẽ giúp ích bạn rất nhiều trong việc tìm kiếm thông tin.
Tam thất là gì? Thông tin về tam thất
Loại thảo dược thuộc giống nhân sâm
Trong y học cổ truyền tam thất là một vị thuốc quý. Ngoài ra, loại thảo dược này còn có các tên gọi khác như: sâm tam thất, điền thất nhân sâm, thổ sâm, kim bất hoán. Tên khoa học là Panax pseudoginseng Wall và được xếp vào họ Nhân sâm – Araliaceae.
Ý nghĩa tên gọi
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Chi giải thích trong cuốn Từ điển Cây thuốc Việt Nam, tên gọi của cây tam thất có thể xuất phát từ hai đặc điểm:
- Cấu tạo lá tam thất: Mọc vòng. Mỗi lá thường có từ 3 (tam) đến 7 (thất) chét.
- Do thời gian sinh trưởng của cây: Từ khi gieo hạt tới khi ra hoa cần 3 (tam) năm, đến khi có thể thu hoạch được củ là 7 (thất) năm.
Điều kiện sinh trưởng của cây tam thất
Để cây sinh trưởng tốt, điều kiện địa lý cần phải phù hợp
Là loại cây thân thảo ưa bóng râm và ẩm mát. Cây tam thất sinh trưởng tốt ở các vùng núi có nhiệt độ dưới 250C với độ cao từ 1.200 đến 1.700m. Đặc biệt, phần thân rễ của cây vẫn có thể sinh trưởng trong điều kiện nhiệt độ thấp dưới 00C.
Cây tam thất thường sinh trưởng ở đâu?
Chúng ta có thể bắt gặp cây tam thất mọc hoang tại các hẻm núi, nhưng ngày càng khan hiếm. Để có lượng dược liệu đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của người dùng. Cây tam thất hiện được nhân giống và trồng chủ yếu tại các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc có khí hậu lạnh của nước ta. Như SaPa - Lào Cai, cao nguyên Đồng Văn - Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Cao Bằng …
Quá trình sinh trưởng của cây tam thất
Để ươm cây non, bạn cần lấy hạt giống từ cây có 3 năm tuổi trở lên. Sau đó gieo hạt trong khoảng từ tháng 10 đến tháng 11. Cây con sẽ nứt mầm, mọc lên vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Nhưng phải chờ đến 12 tháng sau, bạn mới có thể bứng cây con đi trồng. Thời gian trưởng thành của củ tam thất phải từ 3 năm trở đi mới có thể thu hoạch. Nhưng nếu để càng lâu như 7 hoặc 10 năm, củ sẽ càng có dược tính cao và thuộc dạng quý hiếm hơn.
Mô tả cây tam thất
Hình dáng cây tam thất
Mặc dù được chia thành nhiều loại khác nhau. Nhưng các loại tam thất đều là cây lưu niên thân thảo. Sinh trưởng ở vùng núi cao có khí hậu lạnh. Dưới đây là đặc điểm của từng bộ phận trên cây:
Thân cây:
Cây tam thất thường có chiều cao khoảng từ 30 đến 70 cm. Cây thường chỉ có một thân chính, ít thấy mọc phân nhánh. Thân cây thường có màu tím tía.
Lá cây:
Lá cây tam thất có lá kép, hình mác dài. Mép lá có khía răng cưa nhỏ, lông cứng và gân ở 2 mặt. Lá tam thất mọc theo cụm từ 3 đến 7 chét, có cuống chung dài khoảng từ 3 đến 5 cm. Cuống lá chét dài khoảng 1 cm.
Hoa tam thất:
Hoa tam thất mọc thành cụm và có tán đơn ở phần ngọn hoặc thân cây. Hoa có năm cánh, màu vàng lục nhạt. Thời điểm hoa nở rộ thường vào khoảng từ tháng 5 tới tháng 7 hàng năm.
Xem thêm: >> Nụ hoa tam thất-thần dược của bách bệnh và vị thuốc quý từ thiên nhiên
>> Uống tam thất vào lúc nào trước hay sau ăn
Quả và hạt tam thất:
Cây có quả hình cầu dẹt, mọng. Khi quả chín có màu đỏ. Hạt hình cầu, màu trắng. Thời gian thu hoạch quả tam thất chín vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, sau khi hoa nở rộ 90 ngày.
Củ và rễ cây tam thất
Củ tam thất mà chúng ta vẫn thường quen gọi thực chất là rễ cái của cây dược liệu này. Cây có một rễ cái và nhiều rễ con. Củ của loại thảo dược này thường có đường kính khoảng từ 10 đến 20mm, chiều dài từ 15 đến 40 mm. Phía ngoài củ có màu vàng nâu, trắng vàng hoặc xám vàng nhạt kèm theo các lằn dọc … Bên trong thịt củ thường có màu xám hoặc trắng ngà.
Củ và phần rễ của tam thất
Thành phần hóa học trong cây tam thất
Tam thất có chứa nhiều nhóm thành phần hóa học, chủ yếu là saponin (hoạt chất thường thấy trong nhân sâm) và các axit amin. Rễ cây tam thất còn có chứa các chất Flavonoid chống oxy hóa hiệu quả. Thêm vào đó là các Polysaccharide có khả năng cải thiện chức năng tạo máu của các tế bào tủy xương, tăng sinh tế bào hồng cầu, ngăn ngừa bệnh ung thư máu.
Saponin trong tam thất
Các nhà khoa học đã tiến hành phân lập và xác định được trong cây tam thất có từ 4,42% đến 12% là saponin. Các saponin này có hiệu quả kháng nấm, vi khuẩn và ức chế virus rất mạnh.. Ngoài ra, mỗi loại saponin lại có một tác dụng riêng biệt:
- Rb1: Giúp bảo vệ tế bào gan
- Rb2: Giúp phòng chống bệnh tiểu đường, hạn chế xơ gan
- Rb3: Hỗ trợ điều trị ung thư
- Rc: Thúc đẩy tốc độ tổng hợp protein, làm giảm đau
- Rd: Tăng hoạt động của vỏ tuyến thượng thận
- Re: Tăng khả năng hoạt động của các tế bào tủy sống đồng thời bảo vệ gan
- Rg1: Chống mệt mỏi, tăng khả năng tập trung
- Rg2: Giúp phục hồi trí nhớ, tăng cường máu lên não, giảm các rối loạn tiểu cầu gây bệnh ung thư máu
- Rh1: Hạn chế sự hình thành các khối u trong cơ thể
Các axit amin trong củ tam thất
Bên cạnh saponin, nhiều loại axit amin có tác dụng tốt cho sức khỏe con người cũng được tìm thấy trong củ tam thất như:
- Phenylalanin: Được sử dụng trong điều chế các loại thuốc chữa bệnh Parkinson, trầm cảm, tăng động, viêm khớp dạng thấp …
- Leucin: Làm chậm quá trình lão hóa chức năng cơ bắp ở người cao tuổi.
- Isoleucine: Giúp điều chỉnh lượng đường trong máu
- Prolin: Hỗ trợ điều trị các tổn thương ở da, niêm mạc ruột, viêm khớp xương
- Histidine: Bảo vệ thận, tác động đến việc sửa chữa các “lỗi di truyền” xảy ra tại các mô và tế bào máu.
- Lysin: Axit amin giúp đốt cháy chất béo để tạo thành năng lượng cho cơ thể hoạt động
- Cysteine: Hoạt chất giúp điều trị viêm da, mụn trứng cá, làm đẹp da và tóc.
Ngoài ra, khi tiến hành phân lập, các nhà khoa học còn thu được từ củ các chất Phytosterol (như β-sitosterol, stigmasterol, daucosterol) có tác dụng ngăn ngừa các cholesterol xấu (LDL) gây bệnh tim mạch. Thêm vào đó là các loại muối vô cơ, khoáng chất (canxi, sắt) cần thiết cho cơ thể.
Từ các thành phần hóa học và dược tính quý giá này có thể thấy giá trị của cây tam thất thật xứng đáng với cái tên “kim bất hoán” – ngàn vàng khó mua được.
Phân biệt các loại tam thất
Tam thất Bắc và tam thất Nam
Tam thất hiện được phân biệt theo hai cách là dựa vào nguồn gốc và dược tính. Nếu phân biệt theo nguồn gốc sẽ có loại tự mọc hoang trong rừng và cây được ươm trồng. Nhưng xét theo dược tính sẽ gồm hai loại là tam thất bắc và tam thất nam.
Tam thất rừng
Thảo dược này mọc hoang tại các khe núi có độ dốc trung bình và đất mùn ẩm. Tam thất rừng có thể được tìm thấy nhiều hơn ở các ngọn núi thuộc dãy Hoàng Liên Sơn. Người ta chủ yếu chỉ có thể khai thác củ tam thất rừng, vì nụ hoa rất hiếm gặp.
Hình dạng;
Do mọc hoang, nên hình dạng của tam thất rừng rất phong phú. Củ và thân nhỏ, dài. Củ thường được chia thành nhiều khúc hoặc các đoạn nhỏ với bề mặt thô ráp, sần sùi.
Màu sắc tam thất rừng:
Củ non thường có màu vàng nâu, pha xanh nhạt. Trong khi củ lâu năm thường đậm màu hơn, càng già màu càng sẫm. Bên trong ruột có màu xám.
Dược tính:
Củ có vị đắng hơn so với loại được ươm trồng tại vườn. Đặc biệt các củ mọc càng lâu năm thì càng đắng. Dược tính của tam thất hoang được đánh giá là mạnh nhất.
Tam thất trồng
Tam thất trồng
Với nhiều dược tính quý có công dụng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả, tam thất đã được ươm trồng tại nhiều địa phương trên cả nước. Tuy nhiên khi thảo dược này được trồng tại các vùng khác nhau sẽ có hình dạng, màu sắc và dược tính không đồng nhất. Tam thất trồng được chia làm hai loại là Bắc và Nam.
Tam thất Bắc
Tam thất Bắc còn được biết đến với tên gọi là Sâm tam thất. Cây thuộc họ Nhân sâm – Araliaceae, cao khoảng 50cm, thân đơn, mọc thẳng. Thân cây có màu tím tía và thường được trồng ở các vùng đồi núi của tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng và Lạng Sơn.
Tam thất Bắc cũng được trồng nhiều ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Do đó, trên thị trường dược liệu này còn được gọi với tên khác là tam thất Vân Nam.
Lá tam thất Bắc:
Cây có lá kép hình chân vịt với 3 đến 4 lá mọc xếp vòng. Không giống như các loại cây khác, cuống lá tam thất Bắc khá dài. Mỗi lá có từ 5 đến 7 chét hình lưỡi mác nhọn. Mặt trên lá có màu sẫm hơn mặt dưới.
Hoa tam thất:
Tam thất Bắc có hoa nở thành cụm, mọc ở phần ngọn thân với sắc hoa màu lục vàng nhạt. Đài hoa với năm răng ngắn, còn tràng lại có năm cánh rộng. Hoa có 5 nhị và 2 ô bầu.
Hình dạng củ:
Củ tam thất Bắc thường có hình con quay hoặc hơi giống củ cà rốt. Với chiều dài khoảng từ 20 đến 60 mm. Đường kính có thể đo được từ 10 đến 40 mm. Bề ngoài củ sần sùi, có nhiều mấu nhỏ lồi lên trên thân. Thân củ có các đường vân màu trắng và các rãnh lõm to nhỏ khác nhau màu cam nâu. Các rãnh này là sẹo do những phần rễ nhánh tạo thành. Củ trồng càng lâu năm có kích thước càng lớn.
Màu sắc:
Vỏ tam thất Bắc khi còn bám đất sẽ có màu vàng đậm. Nhưng sau khi rửa sạch, sẽ được chuyển thành màu xám. Củ càng nhiều năm thì màu vỏ càng đậm. Mặt cắt ngang của củ màu xám nhạt, kèm theo những chấm nhỏ màu nâu. Mạch gỗ trên củ xếp theo hình tia tỏa tròn.
Dược tính:
Củ có vị đắng, nhai kỹ thấy hơi ngọt. Khi xay tam thất Bắc cho thành phẩm bột mịn có màu vàng xám. Dược liệu này tính nóng, có thể bổ huyết và cầm máu tốt. Đồng thời giúp làm lành nhanh các vết thương hở.
Tam thất Nam
Cây tam thất Nam
Loại thảo dược này thuộc họ Gừng (Zingiberaceae), còn có tên gọi khác là tam thất gừng hay khương tam thất. Thân cây có chiều cao khoảng 20 đến 30 cm. Phần rễ phân nhánh tạo thành nhiều củ nhỏ xếp theo chuỗi.
Ở nước ta, tam thất Nam được trồng chủ yếu tại các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình và Tây Nguyên. Cây cũng được trồng nhiều tại các tỉnh phía Nam Trung Quốc và nước Lào.
Lá tam thất nam:
Khác với tam thất Bắc, thảo dược này có lá mọc thẳng từ thân rễ. Cây thường gồm 3 đến 5 lá có cuống dài với phần bẹ phát triển. Phiến lá nguyên, không có răng cưa hay lá chét. Lá cũng có hình mác nhưng thuôn dài, đầu nhọn, thường có màu lục hoặc pha nâu tím.
Hoa tam thất nam:
Nếu hoa tam thất Bắc mọc ở ngọn thân thì thảo dược này lại có hoa mọc thành cụm ở phần gốc. Cụm hoa gồm một lá bắc có hình ống với chiều dài khoảng 30 mm. Lá bắc này thắt lại ở phần đầu rồi phân thành 2 thùy rộng. Trong đó có từ 4 đến 5 hoa màu trắng pha tím. Tràng hoa hình ống có thùy thuôn. Cánh môi lõm chia làm 2 thùy và 3 ô bầu nhẵn.
Hình dạng:
Củ tam thất Nam dạng tròn, nhẵn khá giống hòn sỏi hay quả trứng chim. Bề mặt củ nhẵn, không có nhiều mấu lồi hay rãnh lõm như các loại khác. Nhưng trên thân củ vẫn có những đường lằn hoặc vết lõm nhỏ, nông có màu đen. Đường kính củ vào khoảng từ 20 đến 30mm.
Màu sắc:
Vỏ củ có màu trắng ngà. Đôi khi có thể pha thêm màu xám nhạt. Nhưng không đậm màu như vỏ tam thất Bắc.
Dược tính:
Tam thất Nam thuộc họ gừng nên có tính nóng, vị cay và đắng nhẹ. Bột màu trắng ngà, có tác dụng điều trị rối loạn kinh nguyệt, đầy hơi, chướng bụng hiệu quả. Đặc biệt giúp thông huyết mạch rất tốt. Chính vì thế không được sử dụng thảo dược này cho phụ nữ mang bầu hoặc người đang bị tiêu chảy.
Cách trồng, thu hoạch và chế biến tam thất
Quá trình trồng và chăm sóc cây tam thất
Tam thất là loại cây dược liệu có giá trị kinh tế rất cao. Việc ươm trồng cây không quá khó nếu bạn biết kỹ thuật trồng và lựa chọn được vùng đất có thổ nhưỡng phù hợp. Tuy nhiên, trồng cây thảo dược này cần đầu tư vốn khá lớn. Thêm vào đó thời gian chăm sóc tới khi được thu hoạch khá dài – từ 3 đến 7 năm.
Vì thế, bạn nên cân nhắc trước khi đầu tư trồng loại dược liệu này. Bạn có thể tham khảo quy trình trồng và thu hoạch tam thất dưới đây để có thể ra quyết định chính xác nhất cho việc có nên đầu tư trồng dược liệu này hay không.
Quy trình trồng và chăm sóc tam thất cho chất lượng củ tốt nhất
Bên cạnh việc khai thác thảo dược có sẵn trong thiên nhiên, cây tam thất cũng được nhân giống và trồng với diện tích lớn. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng dược liệu quý ngày càng tăng của người dùng. Bạn có thể tham khảo quy trình ươm trồng dưới đây để thu hoạch củ có dược tính cao nhất.
Bước 1: Chọn giống cây tam thất
Hiện nay có ba cách nhân giống chủ yếu là trồng trực tiếp bằng cây con, gieo hạt và dùng củ mầm.
- Nếu bạn sống gần các khu vực rừng núi và mới trồng tam thất, bạn có thể tìm cây con mọc tự nhiên trong rừng. Sau đó bứng về trồng trong vườn nhà. Lưu ý khi đánh cây con không làm đứt rễ, trầy xước thân cây. Nên đánh cây về trồng vào mùa Xuân, khi trời có mưa phùn. Lúc này không khí ẩm và ấm áp, cây con dễ sinh trường.
- Ngoài ra, bạn có thể thu hái hoặc mua hạt tam thất chín từ 4 năm tuổi trở lên để làm hạt giống. Vì cây sau khi trồng 3 năm mới bắt đầu ra hoa. Sang năm thứ 4 chất lượng hạt giống mới bắt đầu ổn định. Nên lấy những hạt già, căng chắc và mẩy sẽ nảy mầm tốt hơn, cây sinh trưởng mạnh hơn.
- Thời gian gieo hạt, ươm cây nên thực hiện vào mùa thu từ tháng 8 đến tháng 9 âm lịch hàng năm, khi tiết trời mát mẻ. Hạt giống nên ủ trong chậu cát hoặc khăn ẩm cho đến khi nứt vỏ, lên mầm mới mang đi trồng.
- Bầu ươm cây nên chọn loại đất tốt, trộn thêm tro và trấu ẩm, để nơi thoáng mát, không có ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
- Nếu trồng bằng củ mầm, cần chọn củ to đều, có nhiều rễ. Khi mầm non trên củ mới nhú dài từ 2 đến 4cm bắt đầu đưa vào vườn ươm. Sau khi phủ đất lấp mầm, tưới đủ ẩm. Chăm sóc hàng ngày cho đến khi cây có từ 3 đến 5 lá thật thì bứng ra trồng trên luống.
Bước 2: Trồng cây tam thất:
- Tạo vườn trồng: Cây tam thất ưa râm mát, không chịu được ánh mặt trời chiếu thẳng. Do đó nên trồng dưới tán các cây khác hoặc làm vườn ươm có mái che. Độ chiếu sáng thích hợp nhất là khoảng 30%, độ che phủ 70%, độ dốc nhẹ.
- Thời gian trồng tốt nhất là vào mùa xuân, khi nhiệt độ không quá 250 C, độ ẩm không khí lớn. Lúc này, cây giống sẽ có tỷ lệ sống cao nhất, có lực để sinh trưởng tốt hơn.
- Vườn trồng tam thất cần được đánh luống có chiều rộng từ 1 đến 1,5m, chiều cao 0,2m. Mỗi luống cách nhau từ 0,3 đến 0,5 m để dễ thoát nước. Khoảng cách giữa các cây là 0,2m x 0,2m. Tương đương với mật độ từ 15 đến 20 cây/m2.
Bước 3: Chăm sóc
- Tam thất là cây ưa ẩm. Do đó người trồng nên căn cứ vào độ ẩm và lượng mưa hàng năm tại khu vực vườn trồng để chủ động tưới nước cho phù hợp.
- Trong quá trình trồng, phải thường xuyên làm cỏ, xới tơi đất. Có thể tận dụng lá cây ủ quanh gốc để giữ ẩm và tạo mùn giúp đất màu mỡ, đồng thời tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt hơn.
- Giai đoạn 3 năm sau khi trồng, cần bổ sung phân bón hữu cơ, như phân chuồng hoai mục, phân vi sinh. Việc làm này giúp tăng hàm lượng mùn trong đất. Giúp đất tơi xốp, cho củ to, ít sâu bệnh.
- Tam thất là cây dược liệu lấy củ nên ít bị sâu bệnh. Vì thế trong quá trình trồng không cần sử dụng nhiều loại thuốc hóa học. Trong trường hợp xuất hiện sâu ăn lá nên bắt bằng tay thay vì phun thuốc trừ sâu để đảm bảo dược tính tốt nhất cho củ.
Thu hoạch tam thất
Thu hoạch nụ hoa tam thất
Thảo dược này là cây dài ngày, thời gian trồng và chăm sóc kéo dài tới 3 đến 7 năm mới cho thu hoạch. Nhưng dược liệu này thuộc loại quý hiếm. Nên mỗi bộ phận trên cây đều có giá trị kinh tế cao. Thời gian thu hoạch cụ thể như sau:
Hoa tam thất
Sau 3 năm trồng cây, bạn có thể tiến hành thu hái hoa. Hoa tam thất của thảo dược này cũng có nhiều công dụng như an thần, ngủ ngon … Giá bán thường dao động trong khoảng 1 triệu đồng/1kg. Sang năm thứ 4, bạn có thể thu hái một phần hoa. Phần còn lại để hoa kết hạt dùng làm giống cho các vụ sau.
Nụ, lá, hạt và củ tam thất
Các bộ phần này của cây sẽ được thu hoạch vào năm thứ 7. Sau khi thu hoạch có thể bán thành phẩm tươi hoặc phơi, sấy khô. Củ tam thất phơi khô có thể bảo quản trong thời gian lên tới 6 năm.
Chế biến tam thất
Tam thất thường được dùng để bồi bổ cơ thể, phòng và điều trị nhiều bệnh khác nhau. Cách chế biến và sử dụng dược liệu này cũng rất đa dạng và dễ làm. Bạn có thể tham khảo các cách chế biến dưới đây để sử dụng dược liệu tại nhà một cách hiệu quả nhất.
Một trong những cách chế biến tam thất
Dùng trực tiếp
Nụ, hoa và lá tam thất sau khi thu hoạch có thể làm sạch sử dụng ngay hoặc phơi sấy khô, sau đó pha hãm thành trà dùng hàng ngày. Củ tam thất có thể thái lát mỏng để ăn trực tiếp. Sử dụng trực tiếp củ thảo dược này hàng ngày giúp người mới ốm dậy phục hồi nhanh chóng.
Hấp chín
Củ tam thất tươi sau khi mua về được làm sạch. Sau đó thái thành lát mỏng và hấp cách thủy. Lúc này tam thất sẽ mềm, không còn mùi hăng và bớt đắng hơn so với khi ăn trực tiếp.
Nghiền thành bột mịn
Đây là cách sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Sau khi nghiền mịn, bạn có thể pha với nước ấm và mật ong để uống hàng ngày. Hiện có 3 cách làm như sau:
- Nghiền mịn tam thất Bắc tươi: Bạn mang củ tươi đi xay mịn và lấy bột sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên do củ tươi có hàm lượng nước nhiều nên dễ mốc và khó bảo quản. Vì thế bạn chỉ nên nghiền với số lượng đủ dùng trong thời gian ngắn.
- Xay mịn củ đã được phơi sấy khô: Giúp bảo quản được trong thời gian dài. Sau khi xay thành bột, bạn chia vào các lọ nhỏ khác nhau, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, đậy kín nắp sau mỗi lần sử dụng.
- Làm chín trước khi nghiền: Tam thất được thái lát, phơi sấy khô sau đó ủ với rượu tới khi mềm. Vớt thảo dược ra, để ráo, xao vàng rồi mang đi tán thành bột mịn. Cách làm này thường được sử dụng cho các bài thuốc Đông y. Bột tam thất chín nghiền mịn giúp cầm máu, hỗ trợ làm lành các vết thương nhanh chóng.
Nghiền bột mịn từ củ tam thất
Ngâm rượu tam thất
Ngâm rượu tam thất và sử dụng hàng ngày là biện pháp đơn giản hỗ trợ kháng viêm, giảm đau nhức xương khớp …. Cách làm tại nhà rất đơn giản. Bạn dùng 1kg tam thất Bắc ngâm với 4 lít rượu nếp có nồng độ 45% trong 3 tháng. Mỗi ngày bạn dùng 1 ly nhỏ sau khi ăn trưa và tối.
Đặc biệt, không nên sử dụng quá 100ml rượu tam thất trong một ngày. Cách chế biến này cũng giúp phát huy tác dụng của tam thất với sinh lý nam. Là giúp bồi bổ cơ thể, tăng cường sinh lực.
Tam thất mật ong
Cách chế biến Tam thất mật ong giúp bồi bổ cơ thể, tăng sức đề kháng, làm đẹp da, chống lão hóa hiệu quả. Bạn có thể thái lát 500gr củ tươi và ngâm ngập với 1000ml mật ong. Ngoài ra, dùng bột khô nghiền mịn, trộn với mật ong tươi và viên thành từng viên nhỏ vừa ăn cũng là một cách kết hợp hấp dẫn.
>> Có thể bạn quan tâm: Lưu ý và cách dùng tam thất mật ong tốt nhất mỗi ngày
Sử dụng như một nguyên liệu nấu ăn
Tam thất Bắc có thể dùng nấu canh với tim lợn hoặc hầm gà ác. Đây là hai món ăn giúp tẩm bổ cho phụ nữ sau sinh, người mới ốm dậy rất hiệu quả. Ngoài ra bạn có thể dùng bột để nấu canh cá giúp bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể rất tốt.
Tác dụng, công dụng của tam thất tới sức khỏe con người
Tác dụng của tam thất
Củ tam thất Bắc có vị đắng, hơi ngọt, tính ấm. Trong y học cổ truyền được quy vào các kinh can và thận với tác dụng bổ máu, cầm máu, giúp tiêu sưng, giảm đau, hết ứ huyết. Dược liệu này cũng đã được kiểm chứng nhiều tác dụng dược lý rất phong phú trong y học hiện đại. Bạn có thể tham khảo các công dụng dưới đây để biết thêm cách sử dụng thảo dược này phù hợp nhất.
Bảo vệ hệ tuần hoàn
- Giúp tăng lưu lượng máu ở động mạch vành và giúp bảo vệ tim chống lại các tác nhân gây loạn nhịp. Hỗ trợ điều trị giảm huyết áp, giảm nhịp tim an toàn.
- Có khả năng hỗ trợ giãn mạch ngoại biên mà không ảnh hưởng đến huyết áp cũng như hệ thần kinh trung ương.
- Hoạt chất Ginsenoside có trong tam thất giúp ngăn ngừa tình trạng xơ vữa động mạch. Đồng thời làm tan các cục máu đông và phòng tai biến mạch máu não hiệu quả.
Nuôi dưỡng hệ thần kinh
- Giảm ức chế, căng thẳng thần kinh, stress, chống trầm cảm.
- Giúp hồi phục, tăng hưng phấn trung khu hệ thần kinh. Tăng khả năng sáng tạo và lao động trí óc.
Hỗ trợ điều trị ung thư
Các hoạt chất saponin trong dược liệu này được ứng dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh ung thư. Bệnh nhân trước và sau hóa, xạ trị có thể sử dụng thảo dược để bồi bổ sức khỏe, tăng hiệu quả điều trị. Đặc biệt, hoạt chất Panacrin được tìm thấy trong phần củ tam thất có tác dụng hạn chế sự di căn của các tế bào ung thư.
Hỗ trợ điều trị các bệnh rối loạn chuyển hóa
Dược tính từ các hoạt chất trong củ tam thất giúp làm hạ cholesterol và triglycerid trong máu. Đồng thời kiểm soát lượng đường trong máu. Từ đó giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả các bệnh rối loạn chuyển hóa như tiểu đường, mỡ máu, gan nhiễm mỡ …
Tăng cường lưu thông máu
- Các hoạt chất trong cây tam thất giúp tăng cường lưu thông máu lên não. Tăng cường oxy và dưỡng chất trong máu giúp nuôi dưỡng các tế bào tốt hơn.
- Cải thiện các triệu chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu do lưu thông máu kém.
- Ngoài ra, dược liệu Đông y này còn được biết đến với tác dụng cầm và tiêu ứ máu bên trong nội tạng. Giúp các vết thương nhanh lành.
- Với phụ nữ sau sinh bị băng huyết, rong kinh hay huyết hôi, ứ huyết sử dụng tam thất rất hiệu quả và an toàn.
Cải thiện miễn dịch, đảo ngược quá trình lão hóa
Củ tam thất giàu flavonoid, các chất chống oxy hóa tự nhiên giúp tăng sức đề kháng, cải thiện hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể. Đồng thời giúp kháng viêm, giảm đau hiệu quả. Ngoài ra, thảo mộc này còn giúp làm đẹp da, giúp xóa nám và nếp nhăn khi chị em sử dụng đều đặn hàng ngày.
Hỗ trợ chữa đau nhức xương khớp
Bột tam thất Nam kết hợp với bột hồng sâm có thể giúp hỗ trợ điều trị hiệu quả các triệu chứng phong tê thấp. Hàng ngày bạn có thể pha bột với một chút mật ong và uống trực tiếp. Mỗi lần uống nên cách nhau 12 tiếng.
Các bài thuốc trong dân gian được chế biến từ tam thất
Một trong những bài thuốc từ tam thất
Từ ngàn xưa, tam thất đã được coi là dược liệu quý hiếm. Các bài thuốc dân gian sử dụng dược liệu này hiện được lưu truyền khá phổ biến. Bạn có thể tham khảo các thông tin dưới đây, tuy nhiên để có liều dùng chính xác, đảm bảo an toàn cho sức khỏe bạn cần tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi sử dụng.
Bài thuốc trị ứ huyết bằng bột tam thất
Khi gặp các tổn thương ở bên trong cơ thể, như do hàn thấp gây ứ huyết vùng lưng, hoặc các lực tác động từ bên ngoài gây chấn thương (tai nạn giao thông …) làm khí huyết kết lại bên trong nội tạng. Đặc biệt là các trường hợp do va chạm khiến các vết bầm tím xuất hiện trên da. Bạn có thể dùng bột tam thất pha với nước ấm và uống trực tiếp để cải thiện tình trạng bầm dập, ứ huyết.
Giảm đau thắt ngực
Khi xuất hiện các triệu chứng đau thắt ngực không rõ nguyên nhân, bạn có thể sử dụng thảo dược này. Chỉ cần sử dụng bột tam thất pha với nước ấm dùng trước bữa ăn 30 đến 60 phút. Các triệu chứng đau sẽ giảm dần và bạn có thể ngừng sử dụng khi thấy hết đau.
Rong huyết sau sinh
Sau khi sinh, nếu phụ nữ bị rong huyết kèm theo huyết hôi tanh, có thể sử dụng bột củ tam thất để khắc phục. Mỗi ngày bạn chỉ cần pha bột với nước ấm hoặc nước cơm là có thể sử dụng. Liều dùng mỗi ngày từ 2 đến 3 lần tới khi hết rong huyết kinh.
Bổ huyết sau sinh
Quá trình sinh nở khiến người phụ nữ mất một lượng máu khá lớn. Để bồi bổ khí huyết, phục hồi sức khỏe sau sinh, bạn có thể sử dụng tam thất như một nguyên liệu nấu ăn hàng ngày. Đặc biệt, món gà ác tần cùng với tam thất sẽ vừa giúp phụ nữ sau sinh bổ huyết và vừa nhiều sữa dành cho trẻ bú.
Uống tam thất đẹp da
Tác dụng của tam thất trong làm đẹp đó là giúp trị nám và tàn nhang
Tác dụng hoạt huyết, tăng cường lưu thông máu và các chất chống oxy hóa trong củ tam thất giúp chị em làm đẹp da hiệu quả. Để uống tam thất đẹp da nhanh hơn, chị em nên kết hợp ngâm bột đã xay mịn với mật ong. Sau đó mỗi ngày ăn từ 2 - 3 thìa cà phê hỗn hợp này vào buổi sáng. Đồng thời có thể sử dụng hỗn hợp đắp mặt 2 đến 3 lần/tuần.
Bồi bổ, chữa suy nhược, gầy yếu
Để tăng cường sức khỏe cho người mới ốm dậy hoặc vừa trải qua phẫu thuật và trẻ biếng ăn, chậm lớn. Bạn có thể sử dụng bột tam thất kết hợp với sâm Bố Chính và một vài loại dược liệu khác làm thức uống hàng ngày. Nên sử dụng đều đặn và cố định đúng giờ. Có như vậy mới giúp cơ thể hấp thu được tốt nhất.
Bột tam thất phòng ngừa cao huyết áp
Người bệnh cao huyết áp, đặc biệt là người cao tuổi có thể gặp các biến chứng, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng. Để phòng bệnh, bạn có thể sử dụng bột củ tam thất Nam. Nên dùng thường xuyên với lượng phù hợp để giữ huyết áp được ổn định.
Chữa các triệu chứng nôn ra máu, đi tiểu ra máu
Khi bị xuất huyết do viêm dạ dày bạn có thể sử dụng tam thất, ngó sen và gà ta để cải thiện tình trạng bệnh. Ngoài ra, khi bị đi tiểu ra máu, bạn hãy dùng những củ tam thất đã được thái lát mang đi sắc với cỏ bấc đèn và gừng. Sau đó uống nước sắc từ các dược liệu này ngày 2 lần, đến khi hết bệnh.
Tam thất là thảo mộc có dược tính mạnh, giúp hỗ trợ và điều trị rất nhiều bệnh nặng, nhẹ. Thậm chí, có những căn bệnh tưởng chừng như khó chữa nhất, nhưng khi sử dụng các bài thuốc có sự kết hợp của loại thảo dược này, sức khỏe người bệnh trở nên tiến triển tốt hơn. Tuy nhiên, để tránh gặp phải các phản ứng phụ. Bạn tuyệt đối không nên tự ý sử dụng tam thất trong việc điều trị bệnh, nếu chưa tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn như bác sĩ hoặc chuyên gia.
Lưu ý khi sử dụng tam thất
Cần sử dụng đúng loại tam thất chuẩn 100%
Mặc dù tam thất là thảo dược thiên nhiên khá lành tính. Nhưng khi sử dụng, bạn cần thận trọng để tránh gây ra các hậu quả ngoài ý muốn. Dưới đây là các lưu ý khi sử dụng tam thất:
Đối tượng không nên sử dụng tam thất
- Phụ nữ đang mang thai là thời kỳ nhạy cảm, sử dụng tam thất có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, thậm chí gây sảy thai.
- Trẻ em dưới 12 tuổi không nên sử dụng tam thất
- Người mắc bệnh tiêu chảy nếu sử dụng có thể khiến bệnh trầm trọng hơn, thậm chí dẫn đến tử vong.
- Bệnh nhân bị táo bón hoặc có cơ địa nóng, nóng gan không nên dùng tam thất nam.
- Phụ nữ đang bị rong kinh không nên sử dụng tam thất. Vì dược liệu này có thể kích thích kỳ kinh nguyệt kéo dài hơn. Gây mất máu kéo dài, ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe.
- Người đang bị cảm lạnh, nhiễm hàn khí vì tam thất có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
Các lưu ý khác:
- Khi sử dụng hoa hoặc nụ tam thất để hãm trà không nên kết hợp với bất kỳ nguyên liệu nào khác. Chỉ nên sử dụng riêng một mình hoa tam thất để phát huy tối đa công dụng của thảo dược này.
- Liều lượng sử dụng dược liệu này dưới mọi hình thức (tươi, khô, bột mịn, nụ tam thất …) không nên quá 9gr/ngày.
- Tam thất có thể tương tác hoặc gây phản ứng với các thuốc chống đông máu hoặc các thực phẩm chức năng bạn đang sử dụng. Do đó khi đang sử dụng thuốc Tây cần đặc biệt thận trọng.
Tam thất có dược tính và khả năng chữa bệnh riêng biệt. Khi dùng sống, thảo dược này có tác dụng tốt trong việc điều trị ứ huyết hoặc huyết bầm. Nhưng khi dược liệu này được nấu chín sẽ có tác dụng vượt trội giúp cải thiện chất lượng máu huyết. Chính vì vậy, bạn nên thận trọng trước khi sử dụng cây thuốc quý giá này.
Giá một số loại tam thất hiện nay
Giá bán tam thất sẽ tùy thuộc vào cân nặng, loại củ, hoa của tam thất từng vùng. Hiện nay, tam thất đã được trồng khá phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên do nhu cầu sử dụng cao nên sản lượng hầu như chưa đủ để đáp ứng. Do đó dược liệu này có giá bán khá cao và biên độ dao động lớn tùy theo mùa, bộ phận sử dụng, chất lượng và nguồn gốc thảo dược.
Giá bán các loại củ
Giá sẽ thay đổi và ở từng mức tùy theo từng loại củ. Ngoài ra các yếu tố như kích thước, số năm tuổi… cũng ảnh hưởng tới giá tiền. Trong khi giá tam thất Nam khô chỉ vào khoảng 300.000đ/kg thì giá tam thất Bắc và tam thất đen lại cao hơn nhiều.
Giá củ tam thất bắc
Thường cao hơn tam thất Nam, và được phân theo từng loại khô – tươi. Cũng như kích thước củ. Giá cũng thay đổi theo năm tuổi.

Giá tam thất Bắc tươi tham khảo như sau:
- Loại 5-7 củ/kg : 1.150.000đ/kg
- Loại 10 củ/kg : 750.000đ
- Loại 15 củ/kg: 650.000đ
- Loại 20 củ/kg: 500.000đ
Giá bán củ khô cao hơn tươi:
- Loại 90 củ/1kg sẽ có giá khoảng từ 1,3 triệu đồng
- Loại 60 củ/1kg giá cao hơn từ 1.400.000 đến 1.600.000đ/1kg.
- Loại to hơn 50 củ/1kg có giá từ 1.700.000 – 2.000.000đ/kg
- Loại 40 củ/1kg giá từ 2.000.000 đến 2.500.000đ/kg.
- Loại 20 – 30 củ/kg có giá ước tính từ 7 đến 9 triệu đồng.
Giá tam thất rừng hoang hay tam thất đen
Là loại có giá siêu đắt vì mức độ hiếm có khó tìm của tam thất đen đủ tuổi làm dược liệu. Giá cho mỗi 1kg thảo dược này không thể thấp hơn 10 triệu đồng. Tuy nhiên, bạn nên cẩn trọng khi mua để tránh bị lừa, tiền mất, tật mang.
Giá bán hoa và nụ tam thất
- Hoa tam thất bắc non đã qua sơ chế và phơi khô: 550.000đ/kg
- Nụ tam thất loại thường được bán với giá 850.000đ/kg
- Nụ bao tử có giá cao hơn, từ 1.100.000đ/kg.
- Nụ bao tử cao cấp mới thu hoạch, có màu xanh tự nhiên giá từ 1.300.000đ/kg.

Giá bán bột tam thất
- Bột tam thất hiện có giá dao động trong khoảng từ 2.000.000 đến 3.000.000đ/kg.
- Tuy nhiên, vì đã xay thành bột nên khó phân biệt, dễ làm giả. Vì thế bạn nên mua củ tươi về phơi hoặc loại đã sấy khô mang đi xay sẽ đảm bảo chất lượng hơn. Khi xay 1kg củ thành bột, sẽ bị hao hụt khoảng từ 50 – 70g.
Kết luận
Bài viết trên đây là tổng hợp và chia sẻ các thông tin về cách phân biệt, các dược tính cũng như làm thế nào để sử dụng tam thất hiệu quả. Tuy nhiên bạn cần lưu ý chọn mua loại dược liệu này tại các địa chỉ uy tín để đảm bảo chất lượng và hiệu quả sử dụng. Hy vọng sức khỏe toàn diện của bạn và gia đình sẽ được chăm sóc tốt hơn với dược liệu quý hiếm này.